Hướng dẫn cách chơi Cờ lúa ngô

Hướng dẫn cách chơi Cờ lúa ngô

Cờ lúa ngô có lẽ vẫn là một trò chơi còn xa lạ với nhiều người, nhưng lại là một trò chơi đơn gian mà không kém phần thú vị, đặc biệt với trẻ em, thiếu nhi. Đây là trò chơi trí tuệ, góp phần giáo dục khả năng tư duy, khả năng tính toán. Cùng Thủ thuật chơi học cách chơi Cờ lúa ngô thông qua bài viết dưới đây nhé.

1. Chuẩn bị trước khi chơi

Người chơi

Giống như các trò chơi cờ khác, Cờ lúa ngô là trò chơi đối kháng cần có 2 người chơi. Trong trường hợp có nhiều người tham gia, có thể tiến hành chia cặp chơi với nhau. Người chơi không phân biệt giới tính, độ tuổi, ai cũng có thể tham gia trò chơi.

 

Bàn chơi Cờ lúa ngô

Bàn cờ chơi Cờ lúa ngô bao gồm hai hình chữ nhật đặt chồng lên nhau, một hình đặt nằm dọc và một hình nằm ngang, sao cho tạo thành hình chữ thập bao gồm một hình vuông ở giữa và 4 hình chữ nhật ở các cạnh.

 

Quân cờ chơi

Trò chơi Cờ lúa ngô  cần 8 quân cờ, bao gồm 4 quân trắng và 4 quân đen (có thể thay thế các quân cờ bằng những hạt đậu với 2 màu phân biệt rõ ràng).

 

Xếp quân cờ vào bàn cờ

Xếp 4  quân cờ của mỗi bên vào các góc và các điểm cắt nhau theo hình chữ nhật đặt dọc như hình dưới đây:

Chuẩn bị trước khi chơi 0

2. Cách chơi một ván Cờ lúa ngô

- Hai người chơi tiến hành chơi Oẳn tù tì để xác định người thắng là người chơi đi trước. Mỗi ngươi chơi lần lượt thực hiện lượt chơi của mình rồi đến người chơi tiếp theo.

- Trong mỗi lượt đi của mình, người chơi chỉ được phép di chuyển một quân cờ duy nhất. Đi lần lượt theo đường kẻ, mỗi góc và mỗi điểm cắt trên bàn cờ được tính là một bước đi. Mỗi bước đi phải đọc lần lượt các từ “lúa, ngô, khoai, sắn, đỗ” và chỉ được đi vào chỗ không có quân. 

- Người chơi đi cả năm bước mà bước cuối cùng nếu có quân của đối thủ thì được “ăn” quân đó và thế quân của mình vào chỗ đó và kết thúc lượt.

+ Nếu đang đi nhưng chưa được 5 bước mà gặp quân bị chặn ( của mình hoặc của đối thủ) thì người chơi phải dừng quân cờ ở đó và kết thúc lượt của mình. 

+ Nếu đi được cả năm bước mà bước cuối cùng vẫn không có quân của đối thủ thì dừng lại tại vị trí cuối cùng và kết thúc lượt.

+ Người chơi lần lượt thực hiện luân phiên các lượt của mình cho đến khi một người “ ăn” được hết quân của đối thủ là người chiến thắng của ván đó.

- Kết thúc ván chơi, dàn lại bàn cờ và tiếp tục một ván mới. Người chơi chiến thắng của ván trước được đi trước ở ván tiếp theo.

- Tiến hành chơi từ các ván liên tiếp nhau, tùy vào thỏa thuận ban đầu, người chơi dành chiến thắng 2,3 hoặc 5 ván sẽ là người chiến thắng chung cuộc.

Cách chơi một ván Cờ lúa ngô 0

3. Lưu ý khi chơi

- Để đảm bảo tính công bằng, người chơi cần tuân thủ đúng các luật chơi. Khi đang đi không được đi vượt qua chỗ có quân. Nếu ai đi sai hoặc chơi “ăn gian” sẽ bị phạt mất lượt đi hoặc mất một quân.

- Là một trò chơi với luật chơi vô cùng đơn giản, tuy nhiên ở những cấp độ cao hơn, những người chơi muốn đấu trí với nhau nhiều hơn. Vì vậy có thể tiến hành giới hạn thời gian suy nghĩ từ 3 đến 5 giây phải thực hiện nước đi của mình. Thời gian càng ngắn càng thể hiện tư duy nhanh và nhạy bén của người chơi cờ lúa ngô xuất sắc.

4. Biến thể trò chơi

Ngoài cách chơi phổ biến ở trên, bạn có thể chơi Cờ lua ngô theo cách chơi biến thể khác:

- Vẫn tiến hành chơi theo các lượt như trên.

- Ở mỗi lượt chơi của mình, người chơi di chuyển một quân cờ theo đường vạch trên bàn cờ. Khi đi quân cờ, người chơi đọc nhẩm “Kim, mộc, thủy, hỏa, thổ”, trong đó bao giờ điểm xuất phát cũng là Kim, có thể chỉ đi một bước (Kim, Mộc) hoặc 2, 3, 4 bước tùy ý. 

- Nếu đến Thổ mà có một quân cờ của đối thủ tại đó  thì được ăn quân này và thay thế quân của mình vào đó. 

- Đến lượt mình đi, người chơi ngoài việc tính toán tìm cách ăn quân của đối phương, còn phải tính trước xem dừng lại chỗ nào để tránh bị đối thủ ăn. 

- Ván cờ sẽ kết thúc khi một bên ăn hết quân cờ của bên kia.

2020/01/17 - 4k lượt xem
Bài viết liên quan
Viết bình luận
Có 1 bình luận
trung nguyen van
một năm
Chỗ tôi chỉ đi 4 bước. Gọi là cơm, canh, rau muống