Hướng dẫn cách chơi trò chơi Đi chợ
1. Chuẩn bị trước khi chơi
Người chơi
Trò chơi có thể tổ chức cho các bạn từ lứa tuổi mầm non trở lên và không giới hạn số lượng, tuy nhiên tối thiểu cũng nên từ 5 người trở lên.
Không gian chơi
Trò chơi có sự tham gia của nhiều người nên địa điểm chơi phải là những nơi rộng rãi, sạch sẽ. Thông thường với người chơi là các bạn mầm non thì thường được cô giáo tổ chức ngay tại lớp học hoặc có thể tổ chức ở sân trường,...
Chuẩn bị
Tranh lô tô, đồ chơi bằng nhựa hoặc các loại thực phẩm thực tế.
2. Cách chơi trò chơi Đi chợ
Luật chơi
Bạn nào chọn đúng và nêu được đặc điểm của các loại thực phẩm nhiều nhất thì sẽ giành được phần thưởng là hiện vật hoặc được cô giáo và các bạn còn lại vỗ tay chúc mừng.
Cách chơi
Sắp xếp các bạn nhỏ ngồi thành vòng tròn hoặc ngồi theo hàng ngang, dọc tùy ý.
Bắt đầu chơi. Cô giáo nói: "Cô đi chợ mua rau nhưng lại mua thiếu một loại rau cần nấu chín mới ăn được, các em hãy giúp cô tìm loại rau đó nhé". Sau đó, cô cho trẻ tìm và chọn đúng loại rau ăn nấu chín trong thời gian nhất định.
Ví dụ:
Rau nấu canh là rau muống, rau mồng tơi, rau cải, quả bầu, quả mướp,...
Hoặc cô nói: "Cô đi chợ mua rau nhưng lại mua thiếu một loại rau có thể ăn sống được, các em hãy giúp cô tìm loại rau đó nhé”.
Rồi các bạn lại tìm và chọn đúng loại rau ăn sống cho cô.
Tương tự như vậy, cô đưa ra yêu cầu để trẻ chọn đúng loại thực phẩm theo yêu cầu của cô. Khi trẻ đã chơi thạo, cô có thể nâng cao yêu cầu hoặc cho một bạn thay cô quản trò chơi.
Ví dụ:
Cô đề nghị trẻ hãy chọn: Rau ăn củ (trẻ chọn củ khoai tây, củ dền, củ cải, ...). Rau ăn lá (trẻ chọn mồng tơi, rau muống, rau xà lách,...).
Ngoài ra, cô có thể chia trẻ theo nhóm để thi với nhau, nhóm nào kể được nhiều nhất đặc điểm của nhiều loại rau tương ứng thì nhóm đó thắng ( cách chế biến, màu sắc, cách ăn và lợi ích đối với sức khỏe. Ví dụ: củ dền là rau ăn củ, củ có màu tím, thường được dùng để nấu canh, nấu cháo ... Ăn củ có lợi giúp bổ sung sắt cho cơ thể,..)