Dự thi 02 - Rubik trong cuộc sống của tôi
Bạn đã đến với Rubik như thế nào ? Đối với bạn, việc chơi Rubik có ý nghĩa như thế nào ? Cùng tìm hiểu những suy nghĩ của bạn Nguyễn Hải Đăng về trò chơi Rubik thông qua bài dự thi số 02 - " Rubik trong cuộc sống của tôi" dưới đây cùng Thủ Thuật Chơi nhé!
Bạn xếp được bao nhiêu mặt của một khối Rubik?
Không gì cả
Một mặt
Tất cả
Hay bạn chỉ để cho vui, cho đẹp.
Tôi đang định mượn chuyện xoay Rubik để nói về chuyện người ta loay hoay với cuộc đời. Có chuyện để nói cả đấy! Vì hầu hết người trẻ đều loay hoay với cuộc đời.
Lần đầu tiên tôi nhìn thấy một khối rubik là 7 năm về trước, khi tôi học lớp Ba và chỉ mới nhìn thấy khối rubik lần đầu tiên và tôi bắt đầu cảm thấy thích nó và cầm lên xoay thử của một anh bạn hàng xóm . Hàng xóm của tôi là một cậu bé kém tôi một tuổi, trắng trẻo, ú ù, đúng kiểu “dân thành phố”, không gầy nhẻm như tôi. Và điều hấp dẫn nhất là cậu có một khối vuông 6 màu, mà sau này tôi mới biết vật thể vuông vức đầy mê hoặc đó gọi được gọi là rubik. Nhưng cậu ấy chẳng dùng đến, cứ bỏ nó lăn lóc ở góc phòng, tôi đoán là cậu ta chẳng biết cách chơi. Tôi cũng không biết! Lúc ấy tôi còn không biết chơi rubik nghĩa là phải xếp nó thành một khối 6 màu thống nhất nữa cơ, đơn giản nó màu sắc hoa hoè thì tôi thích thôi, với lại khi cầm lên tôi cũng thấy khá là thích và bắt đầu tìm hiểu về khối vuông nhiều màu ấy. Ấy thế mà cứ mỗi lần tôi mon men sang nhà, hình như đoán biết ý tôi thích được săm soi khối rubik ấy, cậu ta liền cầm lên xoay lấy xoay để, hiếm hoi lắm tôi mới được chơi ké. Thế nên tranh thủ những lần được cầm rubik của cậu ấy trên tay, tôi hí hửng xoay như… xoay chong chóng, để rồi ngẩn tò te mang trả vì xoay hoài vẫn chẳng thể xếp được một mặt nào trong 6 mặt ấy cả. Mãi đâm chán.
Chúng ta, hoặc là sống mãi một lúc lâu mới biết có thứ gọi là cuộc đời, hoặc là có sẵn trước mặt nhưng không trân trọng, cứ bỏ xó nó nơi nào đấy, để rồi khi thấy ai đó xăm soi dòm ngó vào đời mình, lại nhặt cuộc đời lên xoay dọc xoay ngang vô phương hướng.
Kẻ không trân trọng cuộc đời thì nghĩ mình làm thế nào cũng được, cứ loay hoay với thời gian dài rộng cho thiên hạ thèm chơi. Thế mới có những người không đủ thời gian để sống, hoặc thời gian để sống chỉ đếm bằng ngày, lại có những gã nhiều thời gian quá chẳng biết để làm gì. Kẻ mới nhận ra mình có cả cuộc đời thì hăm hở lắm, nhưng thực tế là bé con quá, non nớt quá, nên ngoài lòng hăm hở ra chẳng hề biết rằng mình phải bắt đầu từ việc học hỏi kiến thức, kỹ năng đã thì mới xoay trở với cuộc đời được. Điều này chẳng bao giờ sai quấy, nếu ta không muốn trở thành kẻ phá hoại vì nhiệt tình mà thiếu hiểu biết. Câu chuyện mà tôi vẫn nhớ hoài là về một trong những người thợ may của mẹ tôi. Mười mấy năm về trước chảo chống dính là khái niệm mới mẻ và đầy hấp dẫn với nhiều bà nội trợ, lớp chống dính được tráng trên mặt chảo làm cho nó có màu sẫm hơn những loại chảo thông thường. Hôm đó tới lượt chị ấy rửa chén, và vì rất muốn mọi thứ sạch boong kin kít, chị hì hục chà cho bằng hết lớp màu sẫm trên cái chảo của gia đình tôi. Và bạn đoán được rồi đấy, mẹ tôi phải đi mua một cái khác, nhà tôi thành ra có hai cái chảo, một chống dính và một… trở nên dính.
Trân trọng cuộc đời mình được ban cho là điều tốt, bắt đầu học hỏi để sống cuộc đời của mình là điều tốt hơn! Nếu bắt đầu học rồi và thấy mọi thứ khó khăn quá, thì kiên trì là điều tốt hơn nữa, đừng chán chường! Đó là những gì bạn những gì mà bạn phải trải khi muốn xoay một khối rubik ,nó cũng tương tự giống như các tình huống trong cuộc sống mà bạn hay gặp phải , điều bạn cần là phải chí lòng quyết tâm và sự kiên trì thì làm việc gì cũng thành công.
Rồi khi tôi lên lớp Năm, tôi được sở hữu một khối rubik cho riêng mình. Bạn đọc rõ không? Là của riêng tôi! Tôi chẳng nhớ là mình đã vòi vĩnh ai để có được. Cũng giống như mọi người, tôi cá là ta chẳng nhớ mình có mở lời nhờ ai mang đến trước mặt cho ta cuộc đời của riêng mình. Chỉ đơn giản, một ngày nào đó khi lớn lên, có cái gọi là “cuộc-đời-của-tôi” rơi phịch xuống trước mặt ta, chễm chệ ngồi đó nhìn ta đầy thách thức. Và lúc ấy ta khoái chí muốn cho thiên hạ biết lắm chứ, như tôi ấy, chỉ chờ tan học về đến nhà để xoay tới, xoay lui, xoay mãi… hòng có được một tác phẩm hoàn hảo mà nghênh mặt lên. Cuối cùng cũng xếp được những… 1 mặt rubik!
Nhưng 5 mặt còn lại thì sao? Chào thua! Và để giải quyết vấn đề, tôi ranh mãnh tháo tung khối rubik ra, xếp từng mẫu nhỏ lại theo màu. Thế là có hẳn một khối 6 màu ngăn nắp mang sang khoe hàng xóm, màu nào ra màu đấy nhá! Tháo đến lần thứ n thì khối rubik trở nên rệu rạo như chiếc xe bị long ốc.
Những chiếc thùng rỗng mới biết sơ sơ về cuộc đời là thế. Chúng ta tìm ra được một vài thế mạnh, dù chưa chắc đó đã là điều quan trọng (như biết nhiều quán ăn ngon, cách chỉnh hình đẹp, chơi được vài gam nhạc, thì lại muốn cả cuộc đời mình phải hoàn hảo mà chẳng cần phải học hỏi thêm. Vậy rồi làm đủ mọi cách, đủ mọi đường, để có trên tay một thứ gọi là hoàn-hảo-nửa-vời đem đi khoe với đời. Ví dụ, ta “check-in” địa điểm thật sang chảnh bằng một tấm “selfie” chất như nước cất kèm một “caption” tình bể bình, ta cười đấy, rất nhiều “comment” và “like dạo” đấy, nhưng trong số thiên hạ hiếu kỳ đó mấy ai quan tâm ta thật lòng, quan tâm con người bên trong ta ấy, mà chưa nói đến chuyện đó, điều cần nói đến trước là ta có thấy thoả lòng không? Hay là vì chạy theo sự hoàn hảo ở mặt tiền, ta đánh rơi giữa đường cuộc đời thật của mình, cuộc đời sau “status” trên Facebook ấy, và đánh rơi nốt những đứa bạn không quan tâm hình của mình trên mạng nhưng ta luôn thấy mình trong mắt nó?
Có cuộc đời trong tay rồi thì xin đừng đối xử sai quấy với cuộc đời của mình. Học hỏi là tốt, nhưng học đúng cái cần học là tốt hơn. Và học hỏi không phải là để thiên hạ biết mình giỏi, chỉ là để trân trọng thứ bạn đang có trong tay mà thôi.
4 năm sau đó, phong trào chơi rubik trở nên rất thịnh hành. Thời điểm đó, bạn sẽ thấy tụi học sinh đi học ngoài sách vở thì trong cặp còn nhét thêm một (hoặc nhiều) khối rubik nữa. Để bằng bạn bằng bè, tôi được một cậu bạn trong lớp chỉ cách xoay rubik. Hắn là đứa thông minh nhất trong lớp, nhưng sự thông minh ấy tỷ lệ nghịch với khả năng diễn đạt của hắn thì phải, hoặc sự khù khờ của tôi tỷ lệ thuận với khả năng tiếp thu, nên chỉ khi nào có hắn ngồi ngay bên cạnh nhắc tuồng thì tôi mới xếp được đủ 6 mặt. Về nhà thì thua!
Cuộc đời cũng vâỵ mà, sẽ có giai đoạn ta cần ai đó dìu dắt. Như những “mentor” khi ta đi học, “team leader” khi đi làm, họ sẽ chỉ dẫn những bước đầu. Ta cứ gật gà gật gù ra vẻ biết tuốt, hoặc thấy mình vẫn qua truông hết lần này đến lần khác thì tự mặc định mình biết tuốt, nào ngờ! Tôi nghĩ chỉ có duy nhất một thứ chúng ta biết tuốt, đó là sự hữu hạn của mình. Chìa khoá là nhận ra sự giới hạn của bản thân để không ngừng học hỏi, dặn lòng mỗi ngày phải biết thêm, biết thêm nữa.
Tôi có một người anh thân thiết, học hết lớp 9 phải đi làm vì hoàn cảnh gia đình. Sau vài năm đi làm, được một người động viên, anh đăng ký học bổ túc để hoàn thành chương trình cấp 3.Năm lớp 7 cấp 2, tôi đã có thể tự mình xếp một khối rubik đủ 6 mặt. Để làm được điều này tôi đã phải xem nhiều clip trên youtbe và
Rồi việc gì đến thì cũng sẽ đến, lần đầu tiên tôi đã giải được khối rubik mà không phụ thuộc vào ai và tôi cũng tôi vui sướng. Nhưng hãy biết rằng cuộc đời luôn đổi thay, rubik bây giờ có nhiều biến thể lắm: rubik 4x4, 5x5, rubik mirror, rubik ghost, rubik ngôi nhà, có cả rubik kim tự tháp,… chứ chẳng còn đơn giản một loại 3x3 như ngày bé tôi biết. Hoà theo dòng mạch của sự tiến bộ và thịnh vượng, cuộc đời càng lúc càng lớn rộng, chứ không hẹp lại, càng biến đổi, chứ không đơn điệu, thế nên, cho dù đang ở đâu, là ai, ra sao, như thế nào, hãy cũng sẵn sàng trong mình sự trân trọng và trách nhiệm với cuộc đời mình, đính kèm một tinh thần chịu học hỏi và tiến lên.
Qua bài viết này tôi cũng chân thành cảm ơn trang “Thủ thuật chơi “ vì đã giúp tôi giải được rất nhiều khối rubik trong thời gian qua và kể từ khi tôi chơi rubik. Rubik là thú đã gắn bó và có nhiều kỉ niệm nhất với tôi. Tôi mong cộng đồng rubik tại việt nam ngày càng phát triển.
Tác giả : Nguyễn Hải Đăng
Hãy trở thành người bình luận đầu tiên