Hướng dẫn cách chơi board game Once Upon A Time
Once Upon A Time (tạm dịch Ngày Xửa Ngày Xưa) đưa người chơi vào cuộc thi đấu giữa những câu chuyện kể. Công cụ để tạo ra chúng là những lá bài huyền ảo trên tay họ. Nếu bạn đang tìm kiếm một trò chơi mới thú vị, rèn luyện sự sáng tạo và trí tưởng tượng, hãy tham khảo ngay game Once Upon A Time nhé!
Phần
1
Giới thiệu chung
Once Upon A Time là board game do hãng Atlas Games sản xuất, phát hành lần đầu vào năm 1993. Phiên bản thứ hai, xuất bản năm 1995 có thêm các lá bài mở rộng và phiên bản thứ ba, xuất bản năm 2012, có nhiều thay đổi nhất (bao gồm phiên bản mới của Omar Rayyan, bộ thẻ mới và bảng quy tắc được đơn giản hóa hơn). Bạn có thể chơi với nhóm từ 2-6 người trong khoảng 30 phút, trò chơi phù hợp cho người từ 8 tuổi trở lên.
Những giải thưởng, danh hiệu mà trò chơi bài này nắm giữ có thể kể đến như: Danh sách 100 trò chơi thẻ bài Gia đình hay nhất của tạp chí Games năm 1997; Giải thưởng trò chơi gia đình hay nhất của Tillywig và đề xuất Giải thưởng Lựa chọn hàng đầu của Phụ huynh năm 2013; Đề cử Giải thưởng Origins ở hạng mục Trò chơi dành cho Gia đình, trẻ em hoặc tiệc tùng năm 2013…
Trong Once Upon A Time, người chơi cùng nhau tạo ra một câu chuyện bằng cách sử dụng các lá bài thể hiện các yếu tố điển hình trong truyện cổ tích. Một người chơi là Người kể chuyện và tạo ra một câu chuyện bằng cách sử dụng các nguyên liệu trên thẻ bài của họ. Họ cố gắng hướng cốt truyện tới cái kết của riêng họ. Những người chơi khác cố gắng sử dụng các lá bài để làm gián đoạn Người kể chuyện và trở thành Người kể chuyện mới. Người chiến thắng là người chơi đầu tiên chơi hết tất cả các lá bài của mình và kết thúc bằng lá bài Happy Ever After.
Phần
2
Các lá bài trong Once Upon A Time
Có 2 loại bài trong Once Upon A Time gồm: thẻ bài kể chuyện Once Upon A Time và thẻ bài kết thúc Happy Ever After.
1. Thẻ bài Once Upon A Time
Mỗi lá bài kể chuyện minh họa về các nhân vật, nơi chốn nhất định và thứ có thể sẽ xuất hiện trong câu chuyện của bạn.
Mỗi thẻ bài được đánh dấu rõ ràng với tên nhóm và biểu tượng của từng nhóm bài. Có tổng cộng 5 nhóm bài:
+ Character: Con người, sinh vật sẽ được nói đến trong câu chuyện
+ Thing: Những vật dụng là nguyên liệu cho câu chuyện
+ Places: Địa điểm mà các nhân vật trong câu chuyện của bạn ghé thăm
+ Aspects: Yếu tố phụ về cảm xúc miêu tả cho các thành phần trong câu chuyện
+ Events: Sự kiện đột ngột xảy ra với các nhân vật trong câu chuyện
Ngoài ra, còn xuất hiện một số lá bài đặc biệt: lá bài gây rối (Interrupt). Bạn có thể sử dụng chúng để làm gián đoạn câu chuyện của người kể chuyện hiện tại, lúc này, quyền kể chuyện tiếp theo sẽ thuộc về bạn.
2. Thẻ bài Happy Ever After
Thẻ bài này mô tả một kết cục có khả năng xảy đến trong câu chuyện của bạn.
Lưu ý, trong quá trình chơi, mỗi người chơi chỉ được nhận duy nhất một lá bài Happy Ever After và hãy cố tạo ra câu chuyện phù hợp với cái kết mà bạn có.
Phần
3
Cách chơi Once Upon A Time
Một người chơi chia 1 thẻ bài Happy Ever After cho mọi người. Sau đó, các lá bài Once Upon A Time sẽ được chia theo số lượng người tham gia: với 2 người chia 10 lá; 3 người chia 8 lá; 4 người chia 7 lá; 5 người chia 6 lá và từ 6 người trở lên thì chia 5 lá.
Tất cả người chơi thống nhất người kể chuyện đầu tiên. Người này bắt đầu kể câu chuyện của riêng mình và mỗi khi đề cập đến một con người/vật dụng/địa điểm… nào có trong thẻ bài đang sở hữu, hãy đặt ngửa nó ở trước mặt mình.
Nếu sử dụng lá bài trên tay mà câu chuyện không đề cập đến yếu tố của lá bài đó, người chơi phạm luật. Trường hợp hết ý tưởng, người kể chuyện có thể kết thúc lượt kể, lấy thêm 1 thẻ bài kể chuyện khác ở chồng bài rút và lượt chơi được chuyển sang cho người bên tay trái người vừa nhường lượt.
Bất cứ khi nào người kể chuyện đề cập đến một điều gì trong câu chuyện, nếu bất kỳ người chơi nào cầm thẻ Once Upon A Time có yếu tố đó, người này có thể “gây rối” bằng cách dùng nó và trở thành (hoặc tiếp tục là) người kể chuyện.
Người chơi có thể được yêu cầu rút thêm thẻ Once Upon A Time (ví dụ: khi họ là người kể chuyện và bị gián đoạn bởi một người chơi khác trở thành người kể chuyện mới hoặc nếu người đó do dự quá lâu trong khi kể câu chuyện).
Nếu người kể chuyện kết thúc câu chuyện với phần kết trên thẻ Happy Ever After của họ và hết thẻ, người đó sẽ thắng.
Người chơi phải hợp tác (ở một mức độ nào đó) để tránh những mâu thuẫn trong câu chuyện khi nó phát triển, để câu chuyện có ý nghĩa và (theo quy tắc) rằng bất kỳ kết thúc nào của câu chuyện đều "thỏa mãn" tất cả người chơi.
Phần
4
Kết luận chung
Once Upon A Time có cách chơi rất đơn giản nhưng lại cực kỳ thu hút bởi tính sáng tạo, đòi hỏi sự tập trung, logic của người chơi.
Trên đây là những thông tin mà Thủ Thuật Chơi tổng hợp được về trò chơi Once Upon A Time. Hy vọng rằng chúng hữu ích với bạn! Chúc bạn chơi game thật vui cùng bạn bè nhé!
Hãy trở thành người bình luận đầu tiên