Xóm Chim là board game chiến thuật mang tinh thần châm biếm và mỉa mai hài hước xã hội Việt Nam đương đại dưới muôn hình vạn trạng. Game được sáng tạo bởi 3 bạn trẻ Hồng Nhật, Thiên Phúc và Thành Hưng (cựu sinh viên Đại học RMIT). Lấy bối cảnh trong những con hẻm, con ngõ đậm chất đường phố Việt Nam và những thành phần lao động sống nơi này, Xóm Chim được thành hình bởi sự biến tấu, lồng ghép rất nhiều những vấn đề xã hội nóng bỏng từ lấn chiếm vỉa hè, ngập nước, đến vé số Vietlott để tạo thành một board game mang đậm hơi thở Sài Gòn. Cùng Thủ Thuật Chơi tìm hiểu kỹ hơn về trò chơi này tại bài viết dưới đây nhé!

Phần 1
Giới thiệu chi tiết về board game Xóm Chim

Tổng quan của Xóm Chim được nhóm thiết kế chia sẻ như sau: Xóm Chim là trò chơi nhập vai chiến thuật, người chơi sẽ nhập vai 1 trong 7 cư dân gương mẫu của Xóm Chim - như Cô Bướm, Ông Lang Băm hay Anh Biến Thái... - với mục tiêu mưu sinh kiếm sống trong hoàn cảnh xã hội muôn hình vạn trạng. Người chơi sẽ tìm mọi cách có thể để đạt được mục tiêu, từ việc tận dụng thời cơ từ những Sự kiện trong mỗi lượt chơi, lượm mót ngoài đường, cho tới việc nhẫn tâm cùng nhau hội đồng, úp sọt người chơi khác... Mưu mô xảo quyệt, tính toán kĩ càng, tận dùng thời cơ và may mắn là điều mà người chơi cần có để sống sót tại xóm Chim.

Giới thiệu chi tiết về board game Xóm Chim 0

Độ tuổi chơi: 16+
Số người chơi: 3-5 người
Thời lượng: 30-60 phút
Phiên bản: gồm 2 phiên bản ‘chúm chím’ và ‘chà bá’

Phần 2
Thành phần của board game Xóm Chim

Bộ board game Xóm Chim gồm những thành phần như sau:

- Bộ bí kíp chơi (xóm) chim: bộ luật của trò chơi
- Bộ luật tóm tắt ‘Đại Cương Bí Truyền’
- 5 miếng bản đồ
- 52 thẻ vật dụng
- 20 thẻ phước lành
- 20 thẻ thiệt hại
- 10 token nắm đấm
- 60 bạc cắc
- 60 token són
- 30 thẻ sự kiện
- 5 hạt xúc xắc
- 5 quân cờ nhân vật
- 7 thẻ nhân vật

Thành phần của board game Xóm Chim 0

Phần 3
Thiết lập và quy định chung khi chơi board game Xóm Chim

Mỗi người chơi đổ xúc xắc để phân định thứ tự lượt chơi trong mỗi vòng, chọn lựa 1 thẻ nhân vật và 1 Bản Đồ tùy ý.

Tự do xếp các Bản Đồ lại với nhau, sau đó, đặt quân cờ Nhân Vật tương ứng vào ô Làm Việc trên Bản Đồ. Lưu ý, các bộ thẻ phải được xào và đặt úp xuống.

Lật mở một thẻ Sự Kiện mới khi bắt đầu vòng chơi mới. Bỏ thẻ Sự Kiện đó dưới sấp bài khi vòng chơi kết thúc.

Trong mỗi lượt chơi, mỗi người được đổ 3 hạt xúc xác để di chuyển, hoạt động và tấn công. Mỗi người chỉ có thể sở hữu 3 thẻ Hiệu ứng và 3 thẻ Vật dụng, đồng thời, có Sức Chịu Đựng (số Són tối đa giữ được) là 7. Người chơi có 8 Són trở lên sẽ bị Vãi Đái - tức là mất một lượt chơi. Tự người chơi không thể làm mình Vãi Đái.

Thiết lập và quy định chung khi chơi board game Xóm Chim 0

Khi có người hoàn thành nhiệm vụ đầu tiên thì trò chơi Kết thúc.

Phần 4
Cách chơi board game Xóm Chim

4.1. Di chuyển trong các ô bản đồ

Khi đổ 3 hạt xúc xắc, người chơi có thể lựa chọn từ 1-3 hạt để Di Chuyển. Số điểm Di Chuyển tối đa trên Bản đồ là tổng số điểm có trên mặt của các xúc xắc người chơi đã chọn.

Khi Di Chuyển qua ô Đường, ô Làm Việc, ô Vệ Sinh, ô Chợ, ô Rác sẽ bị mất 1 điểm Di Chuyển, qua ô Lụt mất 2 điểm di chuyển. Người chơi không thể đi qua ô Nhà. 

4.2. Hoạt động trong các ô trên bản đồ

Khi đứng trên ô Làm Việc, bạn có thể bỏ 2 hạt xúc xắc để nhận 3 Bạc Cắc và 1 Són.

Khi đứng trên ô Vệ Sinh, bạn có thể bỏ 2 hạt xúc xắc và 2 Bạc Cắc để loại bỏ toàn bộ số Són đang có.

Nếu đứng trên ô Chợ, ngoài việc bỏ 2 hạt xúc xắc để bốc 3 thẻ trên cùng của bộ thẻ Vật Dụng, bạn còn có quyền mua Vật Dụng trong 3 thẻ bốc lên và bán Vật Dụng mình đang có (hoặc bán thẻ Phước Lành để nhận thêm Bạc Cắt/ hoặc bỏ thẻ Thiệt Hại bằng cách bỏ số Bạc Cắc tương ứng trên thẻ Thiệt Hại). Những thẻ bài không mua và đã bán sẽ được bỏ xuống dưới cùng xấp bài Vật Dụng.

Lưu ý, người chơi bắt buộc phải bỏ 2 xúc xắc để bước vào ô Nhà. Ở mỗi lần bị Tấn Công, sẽ giảm được 2 Són.

Trường hợp đứng trên ô Rác, người chơi có thể chọn bỏ 2 hạt xúc xắc để Lục Rác (chỉ khi số Són ít hơn Sức Chịu Đựng là 2 Són), tiếp tục đổ xúc xắc màu đỏ và nhận 2 Són.

- Nếu đổ xúc xắc mặt 1 hoặc 2 thì nhận 1 thẻ Thiệt Hại
- Nếu đổ xúc xắc mặt 3,4 hoặc 5 thì nhận 1 thẻ Vật Dụng
- Nếu đổ xúc xắc mặt 6 thì được 1 thẻ Phước Lành

4.3. Tấn công và phòng thủ

Chọn 1,2 hoặc 3 hạt xúc xắc để Tấn Công (số hạt tương đương với số lần).
Khi Tấn Công, đường Tấn Công của nhân vật qua tất cả các ô (trừ ô Nhà).

Có 2 nhân vật cần lưu ý:

- Ông Ve Chai: Điểm Tấn Công là số Són lấy từ đối thủ, Són thu về cần được đi Vệ Sinh mưới tính vào bảng mục tiêu
- Ông Cắt: Khả năng Cắt Chim Xẻo Bướm (CCXB) tức là làm đối phương mất 1 xúc xắc trong những lượt chơi tới. Đối phương chỉ bị mất 1 xúc xắc dù bị CCXB bao nhiêu lần. Ông Cắt chỉ được thực hiện CCXB sau khi đối phương bị Vãi Đái và tốn 1 xúc xắc để thực hiện. Mọi nhân vật làm ông Cắt Vãi Đái đều bị Cắt Chim.

Cách chơi board game Xóm Chim 0

4.4. Thay đổi thẻ Hiệu Ứng và Vật Dụng

Với thẻ Hiệu Ứng: Khi đủ 3 thẻ Hiệu Ứng nhưng được/bị nhận thêm thì:

- Cần xét trước thẻ Hiệu ứng Đối Nghịch: nếu nhận thêm thẻ Thiệt Hại thì xét thẻ Phước Lành trước và ngược lại. Nếu thẻ nhận thêm có số Bạc Cắc lớn hơn hoặc bằng thì thay thẻ Hiệu Ứng đối nghịch bằng thẻ vừa nhận được.
- Xét các thẻ có chung Hiệu Ứng nếu thẻ nhận thêm có số Bạc Cắc nhỏ hơn thẻ Hiệu Ứng đối nghịch. Thẻ nhận thêm có số Bạc Cắc lớn hơn hoặc bằng thì thay thẻ có chung Hiệu Ứng đang có bằng thẻ vừa nhận.
- Bỏ thẻ Hiệu Ứng đó xuống xấp bài tương ứng: nếu thẻ nhận thêm có số Bạc Cắc nhỏ hơn tất cả thẻ Hiệu Ứng đang có.

Với thẻ Vật Dụng: 

- Trường hợp người chơi đã đủ 3 thẻ Vật Dụng nhưng được nhận thêm thì có thể đổi 1 trong 3 thẻ Vật Dụng hiện có/ hoặc lựa chọn bỏ thẻ Vật Dụng mới nhận xuống dưới xấp vài Vật Dụng.

Phần 5
Điều gì khiến board game Xóm Chim trở nên ấn tượng và đặc biệt?

Sự đầu tư cực kì tâm huyết của 3 bạn trẻ trong Xóm Chim gửi đến giới trẻ Việt Nam có lẽ là lý do khiến board game này được đón nhận đến thế, đó là:

- Artwork cực kì ấn tượng, đầu tư: Ắt hẳn khi bạn nhìn vào artwork, bạn sẽ thấy đậm chất Việt và cảm thấy nó quen thuộc một cách lạ kì. Đó là bởi những nét vẽ đó là phong cách tranh cổ động Việt Nam trước kia mà ngày bé chúng ta thường thấy trên những bức tường, tấm áp phích. Chúng được vẽ bằng sơn, màu nước,... 
- Văn hóa đời sống Việt Nam được khắc họa rõ: Các nhân vật trong Xóm Chim được lấy hình ảnh thân thuộc từ các thành phần lao động như: Thợ cắt tóc, ông ve chai, gái làng chơi,... Và mỗi người đều có một cốt truyện thú vị riêng. C
- Ngôn từ trong game cực kì “đường phố” nhưng rất có chọn lọc: Đó là những từ rất quen thuộc trong cuộc sống của người Việt, những câu cửa miệng, châm biếm, hài tếu, chơi chữ được chế biến lại từ kho tàng từ điển Việt Nam 
- Gameplay khác biệt so với các boardgame Việt Nam khác. Mỗi nhân vật đều có mục tiêu riêng nên game có rất nhiều chiến thuật để thắng lẫn đấu đá nhau. Đây là điểm cộng lớn vì Xóm Chim đã thoát khỏi rập khuôn, tư tưởng là Việt Nam không làm được boardgame chiến thuật cao.    
- Chất lượng game xuất sắc: Game được làm thủ công, những hình ảnh, từng mô hình, hình vẽ, được chính tác giả chăm chút khắc, vẽ, nặn,... Ngoài ra, hộp cũng được thiết kế với phong cách rất lạ. Thiết kế hộp Xóm Chim làm bằng bìa carton cứng được cắt thủ công và đóng hộp như những hộp bưu kiện ngày xưa và dán tem độc đáo.

Xóm Chim thật sự là một ý tưởng tuyệt vời từ concept đến gameplay. Game cũng là một bước đi khá bạo vì nó bị hạn chế nhiều do vấn đề “thuần phong mỹ tục”. Bởi lẽ đó, nhóm tác giả đã lược bỏ bớt các yếu tố nặng và cân bằng ranh giới Xóm Chim giữa đột phá và những điều cấm kị để game được phát hành tới các game thủ.

Bài viết này đã giúp ích cho bạn?
Cảm ơn bạn đã đánh giá! Hy vọng chúng tôi sẽ làm bạn hài lòng hơn trong lần tới.
Bài viết liên quan

Hãy trở thành người bình luận đầu tiên

Bình luận bài viết.

Trả lời

Chọn ảnh