Những luật chơi gây tranh cãi trong Ma Sói
1. Chết ngửa bài hay úp bài?
Có thể bạn không biết, phiên bản đầu tiên của Ma Sói có tên gọi là Mafia với một bối cảnh khá “trần tục” gồm các vai trò như thám tử, bố già, bác sĩ,... các thế lực ẩn giấu ban ngày và đi thanh toán kẻ thù vào ban đêm.
Trong phiên bản Mafia, nếu có người chết thì người đó phải ngửa bài lên cho mọi người biết chức năng của mình. Nhưng sau này, cách chơi chết không tiết lộ bài để người chơi khác có thêm không gian suy luận được ưa chuộng hơn.
Ở phiên bản Ultimate được thiết kế bởi Ted Alspach và phát hành bởi Bézier Games, luật chơi cũng có đề xuất cả hai cách: chết ngửa bài và chết úp bài, và tùy theo người chơi thống nhất với nhau.
2. Phù thủy có khả năng ném xuyên giáp bảo vệ hay không?
Câu trả lời là: CÓ.
Phù Thủy là chức năng rất mạnh của phe dân: quẳng bình cứu hoặc giết. Dù Bảo Vệ có bảo vệ ai trong đêm mà người đó lại chính là người Phù Thủy quăng bình Giết cùng đêm đó, thì đúng luật, người đó vẫn chết như thường.
Vì vậy, để không phí phạm bất cứ lần sử dụng chức năng nào để chiến thắng phe Sói, các nhân vật có chức năng như Phù Thủy hay Bảo Vệ cần thống nhất chiến lược, đối tượng bảo vệ, đối tượng giết.
3. Thợ săn ghim sáng hay tối?
Đây là một yếu tố mà các người chơi Ma Sói có thể tự thỏa thuận.
Có thể thiết lập luật cho phép thợ săn ghim sáng hoặc tối tùy thuộc vào sự lựa chọn và thỏa thuận của nhóm chơi. Việc quyết định này có thể ảnh hưởng đến chiến lược của cả phe Ma Sói và phe dân làng.
Thông thường tại Việt Nam, luật chết không lộ bài gần như là mặc định. Bởi vậy nên cách chơi Thợ Săn đã biến đổi chút ít: Đêm đầu tiên chọn một người, khi bạn chết đi, bạn sẽ lôi người đó đi theo.
4. Sói có được tự cắn nhau hay không?
Câu trả lời là: Có thể.
Ma Sói có thể chọn không giết ai cả và có thể tự cắn nhau (tự sát).
Điều này có thể tạo ra tình huống phức tạp và khó đoán, gây hack não hơn và làm cho phe Sói mạnh hơn. Ví dụ nếu một trong số những con Sói bị dân làng nghi ngờ với quá nhiều bằng chứng, những con sói khác có thể giả dạng làm dân, đồng thuận với kết luận của dân làng để tránh mình khỏi diện nghi ngờ.
Rất nhiều trường hợp những con sói gian xảo đã dùng cách này để chiếm lòng tin của phe dân và dễ dàng giết chết phe dân làng. Vì vậy, hãy coi chừng tất cả mọi người trong khi chơi nhé!
5. Sói bị Cupid ghép đôi Dân thì chơi phe nào?
Chức năng của Cupid trong Ma Sói là ghép đôi 2 nhân vật ngẫu nhiên lại với nhau. Nếu 1 người dân và 1 sói ghép cặp với nhau sẽ trở thành phe thứ 3, không thuộc phe dân làng hay phe sói.
Nếu ở trong trường hợp này, các bạn phải làm bằng mọi giá để sống sót đến cuối cùng giành chiến thắng cho phe của mình bằng cách giữ bí mật về mối quan hệ của mình để không bị giết.
Nhiệm vụ của phe Dân làng cũng như Sói phải nhanh chóng giết được 1 trong 2 người đang bị ghép đôi không để họ giành lấy chiến thắng.
6. Pháp sư câm là ai?
Pháp sư câm có chức năng ‘khoá mõm’ một người đang cười cười nói nói trở thành người không còn tiếng nói, mất phiếu vote, hay là những nụ cười ngờ nghệch trong trận. Tuy chức năng sát thương yếu nhưng tính sỉ nhục cao.
Nói là vậy, nhưng nếu sử dụng đúng đắn, đây là chức năng có thể ngăn sói không thao túng dân, câm giúp nó khỏi giải thích nhiều lời.
7. Giả làm Ma Sói, nên hay không?
Trong Ma Sói, chiến thuật Nhận chức năng khá phổ biến. Thông thường nhất, mọi người thường thừa nhận vai trò thật của mình và thuyết phục mọi người tin bạn. Nhưng nếu bạn có trình độ cao hơn và thích trò hack não hơn, thì bạn có quyền nhận chức năng giả - một vai trò không phải là của bạn, nhưng với nhiều mục đích khác nhau.
Những người giả làm Sói thường là những người chơi ban đầu theo phe Dân nhưng sau đó lại chuyển một phe riêng biệt. Họ sẽ dành chiến thắng nếu hoàn thành được nhiệm vụ. Ví dụ như phe Cặp đôi khác nhau yêu nhau (Sói + Dân); Sói trắng (thức dậy cùng như những con sói khác nhưng có quyền giết 1 con sói thường kể từ đêm thứ 2. Sói trắng sẽ thắng cuộc nếu là con Sói duy nhất còn sống sót).