Hướng dẫn cách chơi bóng rổ cơ bản cho người mới bắt đầu
Bóng rổ là một trong những trò chơi phổ biến và được theo dõi nhiều nhất trên thế giới. Đây là một trò chơi thiên về thể chất đòi hỏi thể lực và khéo léo, vừa mang tính cạnh tranh lại mang tính giải trí cao. Nếu bạn là một người mới tìm hiểu về Bóng rổ, hãy theo dõi bài Hướng dẫn cách chơi Bóng rổ của Thủ thuật chơi, với những chỉ dẫn đầy đủ nhất dành cho người mới bắt đầu!
Phần
1
Giới thiệu chung về Bóng rổ
Bóng rổ ( hay tiếng Anh gọi là Basketball) được phát minh bởi James Naismith với năm 1891 như một phương pháp để giúp các học sinh vận động trong những ngày mùa đông.
Bóng rổ là một trò chơi giữa hai đội chơi, mỗi đội chơi bao gồm 5 thành viên trên một sân bóng trong một thời điểm nhất định.
Đội có quyền sở hữu bóng được gọi là đội tấn công, còn đội còn lại được gọi là đội phòng thủ.
Bóng rổ được chơi trên trên một sân hình chữ nhật với hệ thống các vòng được vẽ như hình. Hai đầu sân sẽ có 2 rổ của hai bên, được treo cao 3.05 m.
Mục tiêu của mỗi đội đó là đưa bóng vào rổ của đối phương để ghi điểm. Đội chiến thắng là đội ghi được nhiều điểm so với đối thủ hơn trong thời gian nhất định.
Phần
2
Sân bóng rổ và quả bóng rổ
Sân bóng rổ
Sân bóng rổ tiêu chuẩn là sân bóng rổ dành cho đội hình 5 người lớn. Ngoài ra còn có sân bóng rổ mini cho trẻ em, hoặc sân bóng rổ 3x3 dành cho các đội hình 3 người.
Trong mỗi một giải đấu tổ chức tại quốc gia khác nhau kích thước của sân thi đấu bóng rổ có thể thay đổi, tuy nhiên kích thước tối đa là hình chữ nhật 28mx15m và kích thước tối thiểu cần có là 26mx14m. Trong đó, cấu trúc của sân như sau:
- Vòng tròn ở giữa sân đấu ( Centre cirtle ): có đường kính là 3,6m.
- Khu vực 3 điểm: Đây là khu vực mà chúng ta được nghe rất nhiều trong môn bóng rổ. Khu vực 3 điểm được tính là khoảng cách từ tâm của rổ bóng xuống mặt đất tới vị trí bất kỳ thuộc cung tròn khu vực 3 điểm, và bán kính của cung tròn này là 6,25m. Tuy nhiên khu vực 3 điểm sẽ ngoại trừ khi vực trước rổ, được đánh dấu màu cam trên sân.
- Chiều cao trần của nhà thi đấu bóng rổ hoặc nơi thi đấu: Đối với những trận đấu bóng rổ trong nhà thì chiều cao tối thiểu không có vật cản được tính từ mặt sân lên trên là 7m.
Chiều cao rổ bóng rổ
- Chiều cao rổ bóng rổ tính từ vành tới mặt đất là 3,05m
- Kích thước của bảng rổ tiêu chuẩn là 180cm x 105cm
- Đường kính rổ bóng rổ là 45cm, khoảng cách từ bảng tới rổ là 15cm, độ dày của rổ là từ 1,6cm cho tới 2,0cm.
Quả bóng rổ
- Kích thước quả bóng rổ chủ yếu được tính theo chu vi và chu vi quả bóng là từ 75cm tới 78cm.
- Trọng lượng của quả bóng rổ 0,567 kg đến 0,650 kg.
Phần
3
Cách tính điểm
Một đội sẽ ghi được điểm khi thực hiện được việc đưa bóng vào rổ của đối thủ. Mức điểm thưởng nhận được như sau:
- Được 3 điểm: Nếu khi ghi điểm ở ngoài khu vực 3 điểm.
- Được 2 điểm: Nếu khi ghi điểm ở trong khu vực 3 điểm,
- Được 1 điểm: Trong trường hợp ném phạt. Ném phạt được thực hiện khi xảy ra các trường hợp liên quan đến phạm lỗi.
Xem thêm: Cách tính điểm trong bóng rổ chi tiết
Phần
4
Các lỗi trong bóng rổ
Lỗi cá nhân (Personal Fouls)
Đánh, đẩy, tát, giữ, vươn tay ( thò tay chân để chặn đường một người chơi tấn công) hoặc bất cứ những hành động tác động vật lí sai quy định khác.
Bao gồm các lỗi là:
- Lỗi cản người (Blocking foul): Khi một cầu thủ sử dụng vị trí để ngăn cản đường chạy của cầu thủ đối phương.
- Tấn công phạm quy (Charging): Khi một cầu thủ tấn công va chạm với cầu thủ phòng ngự đã chiếm một vị trí cố định trên sân.
- Lỗi cùi chỏ (Elbowing): Khi một cầu thủ cố tình giơ cùi chỏ ra để ngăn cản đối phương và gây va chạm.
- Lỗi giữ người (Holding): Dùng tay để gây cản trở đối phương tự do di chuyển.
- Cản bằng tay (Hand Check): Khi cầu thủ phòng ngự liên tiếp hoặc đôi khi đặt một tay hoặc cả hai tay lên người đối phương (thường là người đang khống chế bóng).
- Lỗi trên lưng (Over-the-Back): Nhảy lên hoặc qua lưng của cầu thủ đối phương khi cầu thủ này đang cố gắng bắt bóng bật bảng.
- Lỗi khi cướp bóng (Reaching In): Khi cố gắng cướp bóng (steal), hậu vệ đưa tay ra và gây ra va chạm với cầu thủ khống chế bóng.
- Ngáng chân (Tripping): Khi một cầu thủ sử dụng chân và khiến cho đối thủ ngã hoặc mất thăng bằng.
Lỗi tấn công (Offensive Foul)
Khi một cầu thủ đội tấn công chạy qua hoặc đẩy một người phòng thủ của đối thủ khi anh ta đang thiết lập vị trí phòng thủ của mình
Lỗi chặn (Blocking Foul)
Khi một người chơi Phòng thủ chưa thiết lập vị trí phòng thủ của mình mà lại tiến hành ngăn chặn một người chơi khác tiếp cận rổ.
Lỗi khi ném (Shooting Foul)
Khi một cầu thủ phòng ngự va chạm với cầu thủ tấn công khi cầu thủ này đang ở tư thế ném rổ.
Lỗi cố ý (Flagrant Foul)
Đánh, đá, đấm hoặc có bất cứ hành động bạo lực thể chất nào đối với người chơi phía đối thủ. Nói chung là hành vi bạo lực do cố ý và có ý muốn gây hại cho đối phương.
Lỗi phi thể thao (Intentional Foul)
Lỗi có mục đích, thường được gây ra bởi cầu thủ phòng ngự nhằm ngăn cản đường bóng hoặc một cú ghi điểm của đối phương.
Lỗi kĩ thuật ( Technical Foul)
Sử dụng ngôn ngữ thô tục, cử chỉ hành vi thô tục, tục tĩu hoặc bất cứ hành động phi thể thao khác. Ngay cả hành vi sai với trọng tài và khán giả cũng có thể vi phạm Lỗi Kĩ thuật.
Phần
5
Hình phạt đi kèm lỗi
Mỗi lỗi trong bóng rổ khi xảy ra đều dẫn đến một hình phạt cụ thể cho cầu thủ phạm lỗi cũng như đội bóng của cầu thủ ấy. Dưới đây là các hình phạt cụ thể cho từng loại lỗi xảy ra khi va chạm:
- Lỗi cố ý (Flagrant Foul): Chịu hai quả ném phạt và mất quyền kiểm soát bóng.
- Lỗi phi thể thao (Intentional Foul): Chịu hai quả ném phạt và mất quyền kiểm soát bóng.
- Lỗi cá nhân (Personal foul): Mất quyền kiểm soát bóng. Nếu đội bóng đã quá 4 lỗi đồng đội, cầu thủ bị phạm lỗi sẽ được ném phạt.
- Lỗi khi ném (Shooting Foul): Hai hoặc ba quả phạt (phụ thuộc vào cầu thủ bị phạm lỗi đang thực hiện cú ném 2 hay 3 điểm).
- Lỗi kỹ thuật (Technical Foul): Chịu hai quả ném phạt và mất quyền kiểm soát bóng.
Phần
6
Các vi phạm luật bóng rổ
Vi phạm di chuyển
Di chuyển 2 bước trong quá trình di chuyển hoặc nhấc chân trụ lên khỏi vị trí đứng yên với bóng thì bị coi là vi phạm di chuyển.
Vi phạm cầm bóng
Đánh bóng hoặc đưa một tay quá xa sang một bên được gọi là vi phạm.
Rê bóng hai lần
Rê bóng bằng cả hai tay hoặc rê bóng một lần nữa sau khi dừng rê bóng.
Giữ bóng
Nếu nhiều cầu thủ của 2 đội đối lập nhau đều có quyền sở hữu bóng cùng lúc thì nó sẽ tạo ra một vi phạm Giữ bóng.
Vi phạm Sân sau
Khi một đội tấn công đưa bóng trở lại phần sân bảo vệ của mình thì được gọi là Vi phạm Sân sau.
Giới hạn thời gian
- Quy tắc 3 giây: Một người chơi có thể ở khu vực giới hạn của đội đối diện trong tối đa 3 giây.
- Quy tắc 5 giây: Một cầu thủ có 5 giây để đưa bóng vào sân.
- Quy tắc 8 giây: Phía tấn công có 8 giây để di chuyển bóng sang sân đối diện.
- Quy tắc 24 giây: Đội tấn công có 24 giây để cố gắng thực hiện một cú ném rổ và quả bóng ít nhất phải chạm vào vành.
Phần
7
Các vị trí trên sân
Trên sân mỗi đội có 5 thành viên và các thành viên này sẽ đóng vai trò 1 trong số các vị trị sau:
Xem thêm: Để chơi giỏi các vị trí trong bóng rổ
1. Hậu vệ dẫn bóng ( Point Guard)
Vị trí này còn được biết đến là vị trí số 1. Hậu vệ dẫn bóng ( PG) . Đây là vị trí dẫn dắt các đợt tấn công của toàn đội. Nhiệm vụ của Hậu vệ dẫn bóng là sắp xếp đội hình tấn công, quan sát đối thủ và đồng đội, từ đó đưa ra những đường chuyền có thể đặt đồng đội vào thể ghi điểm hoặc tự mình ghi điểm. Đây thường là những người có kỹ thuật, tốc độ tốt nhất trong đội. Những người chơi vị trí này trên sân thường được coi là "nhạc trưởng" của đội bóng.
Những hậu vệ dẫn bóng nổi tiếng thế giới có thể kể đến như Jason Kidd, Magic Johnson, Steve Nash, hay ở Việt Nam như Nguyễn Phú Hoàng, Ngô Tuấn Trung, Nguyễn Tuấn Tú.
2. Hậu vệ ghi điểm (Shooting Guard)
Vị trí này còn được biết đến là vị trí số 2. Cùng với Tiền phong phụ, Hậu vệ ghi điểm là 2 vị trí có nhiệm vụ chính là ghi điểm thường xuất hiện ở biên trong đội hình bóng rổ thường gặp. Như tên gọi, nhiệm vụ chính của Hậu vệ ghi điểm là thực hiện những pha ném rổ, đặc biệt là từ khoảng cách 3 điểm. Ngoài ra, Hậu vệ ghi điểm cũng cần có kỹ năng cầm bóng, đi bóng và chuyền bóng tốt, sẵn sàng để xâm nhập vành rổ đối phương hoặc kiến tạo.
Những Hậu vệ ghi điểm nổi tiếng thế giới có thể kể đến như Michael Jordan, Kobe Bryant
3. Tiền phong phụ ( Small Forward )
Vị trí này còn được biết đến là vị trí số 3. Cùng với Hậu vệ ghi điểm, nhiệm vụ chủ yếu của tiền phong phụ là ghi điểm. Các Tiền phong phụ là những cầu thủ đa năng, luôn là những người nhanh nhẹn hơn và có thể hình nhỏ hơn các Tiền phong chính và Trung phong. Phạm vi hoạt động của tiền phong phụ là tương đối tự do.
Không chỉ có phạm vi hoạt động rộng mà cả chức năng của các Tiền phong phụ cũng rất “bao la”. Họ có thể thi đấu như một SG trong tình huống bóng này, nhưng ngay tình huống sau họ lại có thể là những Tiền phong chính (PF). Các SF luôn là những người nhanh nhẹn và mạnh mẽ ở khu vực bên trong rổ.
4. Tiền phong chính ( Power Forward)
Vị trí này còn được biết đến là vị trí số 4. Ví trí này vừa có nhiệm vụ phòng thủ, khi hỗ trợ trung phong trong kèm người và bắt bóng bật bảng, vừa có nhiệm vụ ghi điểm, với những cú ném thường trong khu vực ném 2 điểm. Tuy nhiên, với quá trình chuyển dịch của bóng rổ, ngày càng có nhiều tiền phong chính có khả năng ném 3 điểm tốt, như Dirk Nowitzki, Channing Frye Đây là vị trí cần thể hình, chiều cao cũng như sức mạnh.
5. Trung phong (Centre )
Vị trí này còn được biết đến là vị trí số 5. Đây là người chơi ở khu vực ngay dưới bảng rổ. Thường là người có thể hình tốt nhất trên sân, trong mặt trận tấn công, nhiệm vụ chính của Trung phong là ghi điểm ở khu vực hình thang, còn trong mặt trận phòng ngư, nhiệm vụ của họ là kèm người dưới rổ và bắt bóng bật bảng.
Các trung phong nổi tiếng Thế giới như Yao Ming, Shaquille O'Neal
Hãy trở thành người bình luận đầu tiên