Hướng dẫn cách chơi Cờ Tư Lệnh
Trong thế giới các loại cờ, Việt Nam cũng đóng góp rất nhiều các loại cờ với những lối chơi độc đáo khác nhau như cờ gánh, cờ chó, cờ Toán Việt Nam… Ngày hôm nay, Thủ Thuật Chơi tiếp tục giới thiệu với các bạn một loại cờ “made in Viet Nam” nữa, đó là Cờ Tư Lệnh. Cùng tìm hiểu cách chơi Cờ Tư Lệnh thông qua bài viết dưới đây nhé.
Phần
1
Giới thiệu chung
Cờ Tư Lệnh tên tiếng Anh là Commander chess, là một loại trò chơi dùng bàn cờ, do Đại tá - nhà văn Nguyễn Quý Hải, người từng là tiểu đoàn trưởng pháo 130mm trong chiến dịch tiến công Quảng Trị năm 1972. Cờ Tư lệnh đã đăng ký bản quyền và được Cục bản quyền tác giả văn học nghệ thuật, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam chính thức công nhận ngày 16 tháng 11 năm 2010.
Mục đích của ván cờ
Ván cờ được chơi giữa hai người, một người cầm quân Đỏ, một người cầm quân Xanh. Mỗi người tìm chiến thuật điều quân trên bàn cờ theo luật chơi để cuối cùng làm thất bại mục tiêu chiến lược của đối phương hoặc tiêu diệt được Tư lệnh của đối phương.
Phần
2
Bàn chơi cờ
Bàn cờ chơi Cờ Tư Lệnh có hình chữ nhật, gồm 11 đường dọc và 12 đường ngang cắt nhau tạo thành 132 giao điểm.
Các thành phần bàn cờ
Có một hàng trống ở giữa bàn cờ, được gọi là Sông (màu xanh đậm). Sông nằm ngang, chia bàn cờ thành hai phần đối xứng bằng nhau gọi là “Chiến tuyến”. Trên sông có hai đoạn nước nông, dưới có nền đá ( có các gạch chấm), được gọi là Ngầm, mọi phương tiện được phép qua lại đoạn ngầm này. Phần còn lại của sông là nước sâu, phượng tiện không được đi qua.
Bên trái bàn cờ của người chơi thứ nhất (bên phải bàn cờ của người chơi thứ hai) có hai dãy ô vuông chạy dọc suốt hai chiến tuyến, được quy ước là Biển (in màu xanh đậm).
Tọa độ bàn đồ
Trục tung (dọc) của bàn cờ được đánh số từ 0 đến 11. Trục hoành (ngang) đánh số từ từ 0 đến 10. Gốc của trục tọa độ là góc dưới cùng bên trái bàn cờ khu bên vùng biển (đánh số từ 0).
Mỗi một giao điểm đều có tên tọa độ, tọa độ theo quy định đọc số trục tung trước, số trục hoành sau. Điểm gốc là 0,0, điểm cao nhất là 11,10.
Ví du: điểm 3,5 (đọc là ba năm); điểm 0,0 (đọc là không không); điểm 0,7 (không bảy); điểm 0,10 (không mười); điểm 11,10; điểm 11,0; điểm 8,4.
Phần
3
Quân cờ
Quân cờ cờ tư lệnh hình tròn như cờ tướng. Cờ Tư Lệnh bao gồm 38 quân, chia làm hai màu Xanh và Đỏ. Mỗi bên người chơi nắm giữ 19 quân, chia làm 11 loại quân, có logo biểu tượng cho từng loại như sau:
Hình ảnh | Tên | Số lượng |
Tư lệnh / Commander | 1 quân | |
Bộ Binh / Infantry | 2 quân | |
Xe tăng / Tank | 2 quân | |
Dân quân / Militia | 1 quân | |
Công binh / Engineer | 2 quân | |
Pháo binh / Artillery | 2 quân | |
Cao xạ / Anti Aircraft Gun | 2 quân | |
Tên lửa - Rocket | 1 quân | |
Không quân - Air force | 2 quân | |
Hải quân - Navy | 2 quân | |
Sở chỉ huy - Headquarters | 2 quân |
Cách xếp bàn cờ
Cách xếp các quân cờ trên bàn cờ tiêu chuẩn như sau:
Phần
4
Cách chơi một ván Cờ Tư lệnh
Cờ Tư lệnh là trò chơi đánh cờ đối kháng hai người theo lượt. Mỗi bên tìm chiến thuật điều khiển quân trên bàn cờ theo luật chơi để đạt mục đích làm thất bại mục tiêu chiến lược của đối phương hoặc tiêu diệt tư lệnh của đối phương.
Thiết lập bàn chơi
Mỗi người chơi nhận 1 loại màu quân cờ và 19 quân cờ tương ứng.
1. Chơi cơ bản
Việc bố trí quân cơ bản lúc đầu, hai bên công khai bố trí giống nhau theo quy định của luật chơi tiêu chuẩn đã nói ở trên.
2. Chơi nâng cao (sau khi đã chơi cơ bản thành thạo)
Hai bên theo ý đồ chiến thuật của mình, bí mật bố trí quân (có thể dùng bìa giấy để che giấu) và hoàn toàn tự do, phá cách, không nhất thiết bố trí như lối chơi cơ bản. Khi cuộc chơi bắt đầu mới lật cờ ngửa và tổ chức lực lượng căn cứ tình huống thực tế tìm ra lối đánh sao làm thất bại chiến lược của địch, diệt được tư lệnh đối phương.
3. Chơi theo dạng cờ người tại các lễ hội
Cách chơi 1 ván cờ
Xác định người chơi đi trước. Mỗi người chơi sẽ lần lượt thực hiện các lượt chơi của mình bằng cách thực hiện 1 hành động cho 1 quân, theo các nguyên tắc đi quân, ăn quân, vượt sông...
Cách đi và ăn quân
Không gian trong trò chơi Cờ Tư Lệnh được chia thành ba vùng:
Vùng Biển - Sông
Vùng Mặt đất
Vùng Trên Không
Các loại quân trong Cờ Tư Lệnh sẽ bị giới hạn di chuyển/ ăn quân trong một số vùng nhất định.
Quân đi bộ
Bao gồm: Công binh, bộ binh, cao xạ, dân quân
Các loại quân này được đi tiến, đi lùi, đi ngang và ăn thẳng, nghĩa là di chuyển tung hoành dọc ngang theo trục bàn cờ từng đoạn một.
Với mục tiêu trên biển: Có thể đứng tại chỗ ăn mục tiêu trên biển cách một đoạn.
Đặc biệt, Dân quân ngoài quy định trên còn được đi và ăn chéo 45 độ từng đoạn một.
Xe tăng
Xe tăng đi và ăn thẳng dọc ngang theo trục từ một đến hai đoạn.
Với mục tiêu trên biển: ăn theo quy định, nhưng được đứng tại chỗ, không phải thế chỗ.
Pháo binh
Pháo binh mặt đất, ngoài đi và ăn thẳng dọc ngang theo trục, còn được đi và ăn chéo 45 độ, từ một đến ba đoạn; được ăn vượt qua khối chắn.
Với mục tiêu trên biển: Pháo được phép đứng tại chỗ bắn và ăn quân đối phương trên biển trong khoảng từ một đến ba đoạn. Khi ăn quân trên bờ biển thì phải thế chỗ.
Tên lửa
Tên lửa phòng không được đi; và ăn quân mặt đất, quân trên không theo vành đai hỏa lực có bán kính hai đoạn theo trục tung hoành và một đoạn chéo 45 độ.
Máy bay
Máy bay đi và ăn thẳng, ăn chéo 45 độ quân đối phương, từ một đến bốn đoạn; được phép bay vượt khối chắn; được phép dừng lại thế chỗ ở nơi ăn quân đối phương hay trở lại ngay vị trí sân bay, để tránh bị đối phương tiêu diệt.
Máy bay ăn máy bay của đối phương thì buộc phải thế chỗ. Máy bay sơ ý bay qua vành đai hỏa lực cao xạ và tên lửa phòng không của đối phương lập tức bị cháy. Nếu mục tiêu của máy bay chủ đích diệt trận địa cao xạ và tên lửa phòng không của đối phương hoặc mục tiêu nào đó trong vành đai hỏa lực phòng không thì cả hai đều bị tiêu diệt, tức là một đổi một.
Tàu chiến
Tàu chiến, trên tàu có cao xạ, pháo binh và tên lửa hải đối hải.
Cao xạ hoạt động theo nguyên tắc chung nêu trên.
Pháo binh: Khi tham chiến hợp đồng binh chủng, pháo trên tàu được đứng tại chỗ bắn và ăn các mục tiêu trên đất liền theo quy định như đối với pháo binh mặt đất.Nếu pháo trên tàu ăn quân dọc bờ biển, không qua đất liền, thì phải thế chỗ. Tên lửa hải đối hải đi và ăn thẳng, ăn chéo từ một đến bốn đoạn mục tiêu trên biển và dọc bờ biển.
Tên lửa Đối hải: Mục tiêu của tên lửa hải đối hải chỉ là tàu chiến và khi ăn phải thế chỗ. Tàu chiến có thể đi vào đoạn sông sâu phía ngoài đoạn có ngầm cạn.
Tư lệnh
Tư lệnh được đi theo trục dọc ngang không hạn chế, miễn là không vướng khối chắn, nhưng khi ăn quân đối phương chỉ được ăn phạm vi một nấc. Tư lệnh không được đi chéo. Điều đặc biệt là chỉ Tư lệnh mới được vào sở chỉ huy.
Tuy nhiên:
- Sở chỉ huy trong trò chơi cờ tư lệnh không phải là cung cấm, quân Tư lệnh trên bàn cờ phải sát cánh chiến đấu cùng quân sĩ.
- Tư lệnh không được mặt đối mặt với tư lệnh đối phương. Bên nào sơ hở để lộ mặt trước thì bị tư lệnh bên kia ăn. Tư lệnh có thể ngồi trong xe tăng, máy bay để qua mặt tư lệnh đối phương.
- Khi cần thiết Tư lệnh được đi thẳng vào công sự, được lên tàu chiến ngoài biển, lên máy bay, xe tăng. (Không được lên các quân khác)
Sở chỉ huy
Chỉ đứng tại chỗ làm vật cản, không được đi và ăn quân đối phương. Tư lệnh khi cần có thể vào ẩn nấp trong sở chỉ huy. (chồng lên trên).
Công binh, xe tăng, pháo binh, máy bay… khi cần có thể phá được Sở chỉ huy để diệt Tư lệnh đối phương. Vật cản chỉ có tác dụng cản trở các hỏa lực bắn thẳng như xe tăng, tên lửa, không cản được pháo binh đường đạn cầu vồng.
Quy tắc ăn quân không phải thế chỗ
Ăn quân không phải thế chỗ nghĩa là đứng tại chỗ ăn quân. Quy tắc này xuất phát từ đặc điểm cấu trúc bàn cờ cờ tư lệnh có vùng biển.
Pháo trên tàu chiến ăn quân trên bộ, được phép đứng tại chỗ ăn quân. (Chỉ với mục tiêu sâu trong đất liền. Với mục tiêu ngay trên bờ biển thì phải thế chỗ).
Các loại hỏa khí trên mặt đất ăn quân tàu chiến cũng được phép đứng tại chỗ ăn quân, không phải thế chỗ. (Chỉ khi tàu chiến ở ngoài khơi, nếu tầu chiến đứng ở trong bờ thì phải thế chỗ)
Máy bay có thể ăn quân đối phương rồi có thể trở lại vị trí xuất phát (bỏ bom) nếu cảm thấy thế chỗ không an toàn.
Quy tắc vượt sông
Sông có hai đoạn ngầm nơi mọi phương tiện, kể cả phương tiện nặng đều có thể vượt qua. - Ngoài hai chỗ đó, còn lại là các đoạn nước sâu, chỉ xe tăng, bộ binh, dân quân tóc dài, tư lệnh và công binh đi qua được.
Các phương tiện nặng như cao xạ, pháo binh, tên lửa phòng không muốn cơ động qua các đoạn nước sâu thì phải được công binh cõng, chỉ được cõng từ bờ bên này sang bờ bên kia nhưng khi ăn quân đối phương bên kia sông, thì được phép qua thế chỗ luôn bất kỳ đoạn sông nào.
Quy tắc vùng cấm trên không
Cao xạ tạo ra vành đai lửa hình tròn nhỏ trên không có bán kính bằng một đoạn thẳng, (vùng cấm). Tên lửa phòng không tạo ra vành đai lửa hình tròn to trên không có bán kính bằng hai đoạn thẳng.
Dải hỏa lực phòng không của mỗi bên tạo ra do vành đai lửa của quân tên lửa phòng không, vành đai lửa của 2 quân cao xạ nhỏ trên mặt đất, và 2 cao xạ trên tàu chiến.
Máy bay sơ ý bay qua vành đai hỏa lực cao xạ và tên lửa phòng không của đối phương lập tức bị cháy. Nếu mục tiêu của máy bay chủ đích diệt trận địa cao xạ và tên lửa phòng không đối phương hoặc bất cứ mục tiêu nào trong vành đai hỏa lực phòng không thì cả hai đều bị tiêu diệt, tức là một đổi một.
Quy tắc quân anh hùng
Quân nào có cơ hội trực tiếp chiếu Tư lệnh quân đối phương, buộc Tư lệnh phải chạy thì quân đó được phong quân anh hùng.
Khoảng cách đi, ăn và điểm tính của quân anh hùng đều được cộng thêm một đoạn (10 điểm). Ví dụ: Bộ binh thường chỉ đi và ăn quân đối phương một đoạn, khi được là quân anh hùng thì được ăn quân đối phương từ một đến hai đoạn. Xe tăng thường đi và ăn quân đối phương một đến hai đoạn, xe tăng anh hùng được đi và ăn quân đối phương thêm một đoạn là ba đoạn…
Đã là quân anh hùng thì đương nhiên được đi cả chéo 45 độ.
Máy bay anh hùng trở thành máy bay tàng hình, tha hồ diệt cao xạ và tên lửa phòng không đối phương mà không bị cháy, không bị một đổi một.
Bên phòng ngự, quân cuối cùng bảo vệ tư lệnh cũng được phong anh hùng và được hưởng quy định như trên, mặc dù chưa có cơ hội trực tiếp chiếu tư lệnh đối phương. Vì vậy người chơi phải hết sức tỉnh táo với những quy định này.
Phần
5
Kết thúc trò chơi
1. Khi chơi theo thời gian
Khi chơi quy định thời gian, mỗi ván từ 10 hoặc 15 phút, cờ sẽ kết thúc khi đến giờ quy định và thắng thua tính theo số điểm, như trong quy tắc tính điểm.
Trong các cuộc thi có thể phân thắng bại qua ba hoặc năm ván, tính theo điểm.
Quy tắc tính điểm trò chơi
Nếu chơi tính điểm thì căn cứ để tính điểm như sau:
Bộ binh, công binh, cao xạ, dân quân tóc dài: 10 điểm.
Xe tăng, tên lửa phòng không: 20 điểm.
Pháo binh: 30 điểm.
Máy bay: 40 điểm.
Tàu chiến trên có tên lửa, cao xạ và pháo binh được cộng tiêu chuẩn của ba thứ vũ khí: cao xạ 10 điểm + pháo 30 điểm + tên lửa hải đối hải 40 điểm = 80 điểm.
2. Khi chơi không khống chế thời gian
Một ván chơi Cờ Tư Lệnh kết thúc khi:
- Kết thúc khi dừng chơi, thắng thua tính theo số điểm của các quân mỗi bên ăn được.
- Kết thúc khi trận không chiến kết thúc, nghĩa là khi một bên mất cả hai quân máy bay không còn sức chiến đấu trên không.
- Kết thúc khi trận hải chiến kết thúc, nghĩa là khi một bên mất cả hai quân tàu chiến không còn sức chiến đấu trên biển.
- Kết thúc khi chiến tranh cục bộ kết thúc, nghĩa là khi một bên mất hết quân xe tăng, quân bộ binh, quân pháo binh, không còn sức chiến đấu.
- Kết thúc khi Tư lệnh bị bắt sống, bị chiếu hết đường thoái lui, hoặc Tư lệnh không còn quân.
Hải chiến, không chiến, chiến tranh trên bộ, bên thắng, ngoài số điểm tính theo số quân ăn được còn được thưởng 100 điểm . Riêng trận thắng tuyệt đối, diệt được tư lệnh, ngoài số điểm theo số quân ăn được còn được thưởng 200 điểm và người thắng được phong là Siêu Tư lệnh.
Có 2 bình luận