Hướng dẫn cách chơi trò chơi Đánh trỏng ( Đánh khăng)

Hướng dẫn cách chơi trò chơi Đánh trỏng ( Đánh khăng)

Đánh trỏng ( hay đánh khăng) là một trò chơi dân gian rất được các bạn nhỏ khắp mọi miền đất nước Việt Nam yêu thích,đặc biệt là ở những vùng nông thôn. Trò chơi mang lại những giây phút vui vẻ sau những giờ học tập và làm việc căng thẳng. Dưới đây là chi tiết trò chơi hãy cùng Thủ thuật chơi tìm hiểu nhé!

1. Chuẩn bị trước khi chơi

Người chơi

- Đánh trỏng thường được các bạn trẻ có độ tuổi tiểu học, đặc biệt là các bạn nam yêu thích và chơi nhiều hơn các bạn nữ, tuy nhiên vẫn có rất nhiều bạn nữ tham gia chơi.
- Số lượng trò chơi là không giới hạn nhưng tối thiểu là hai người

 

Không gian chơi

Do đây là trò chơi tập thể và cần di chuyển nhiều nên địa điểm phải là những nơi rộng rãi, tránh nơi ồn ào, mặt bằng phẳng. Có thể kể đến một số địa điểm như là bãi đất trống, đường làng,…

Trên sân chơi, khoét một lỗ nhỏ hình chữ nhật ở đầu sân chơi hướng về phía còn lại của sân, gọi là lò. Thông thường trẻ em hay dùng chính dụng cụ chơi để khoét lò trên nền đất. Nếu đất cứng không khoét được thì có thể dùng gạch để làm lò. Chiều rộng của lò hơi nhỏ hơn con để có thể đặt con ở trên lò.

Kẻ một vạch ngang để làm mốc sao cho tính từ vạch mốc đến lò là gấp 10 lần chiều dài của cái ( tương đương khoảng 2-3m). Trường hợp có sân chơi quá rộng thì có thể kẻ thêm vạch biên quy ước chiều rộng.

 

Dụng cụ chuẩn bị

Chuẩn bị Bộ đánh trỏng bao gồm hai thanh gỗ, tre hình trụ có kích thước và trọng lượng phù hợp với người chơi gọi  là cái và con ( hoặc gà mẹ và gà con). Cái có độ dài vừa phải, dao động từ 30-40cm, đường kính khoảng 2-3cm. Còn chiều dài của con thì trong khoảng ⅓ đến ½ chiều dài của cái.



Chuẩn bị trước khi chơi 0
 

2. Kỹ thuật cần biết khi chơi

- Khấc: là kỹ thuật một tay cầm cái, tay còn lại đặt con tiếp xúc với cái sau đó buông tay giữ con ra đồng thời dùng cái hất con lên rồi đánh nhẹ cho con nảy trên không trước khi con bị rơi xuống đất. Mỗi lần cái chạm vào con tính là một lần khấc. Trong kỹ thuật khấc có thể dùng cái đánh vào điểm bất kỳ của con hay yêu cầu cao hơn là chỉ đánh vào đầu mút của nó (nếu đánh theo yêu cầu này thì khi chuẩn bị phải để con theo chiều thẳng đứng, một đầu tiếp xúc với cái).
- Cầy hay còn gọi là dích (ở miền Trung): là kỹ thuật để con nằm ngang trên lò rồi dùng cái đặt xuống dưới con để hất con bay đi càng xa càng tốt.
- Mắm hay phạt: là kỹ thuật cầm cả cái lẫn con bằng một tay sau đó tung con lên rồi dùng cái đánh con bay đi.
- Gà: là kỹ thuật khó nhất của đánh trỏng, con được đặt nằm dọc theo lò, một đầu (thường là đầu hướng về phía cuối sân), ghếch lên thành lò; người chơi dùng cái gõ vào đầu ghếch lên sao cho con nảy lên; trong khi con chưa chạm đất, dùng cái đánh con bay đi. Nếu dùng gạch, đá... làm lò thì kê con ghếch một đầu lên miếng gạch để thực hiện kỹ thuật này.


Kỹ thuật cần biết khi chơi 0

3. Cách chơi trò chơi Đánh trỏng

Luật chơi
- Muốn giành chiến thắng thì cần phải thực hiện lần lượt các kỹ thuật đánh và giành được nhiều điểm nhất hoặc đạt số điểm mục tiêu trước đối phương.
- Điểm được tính là khi con tránh được sự cản phá của đối thủ và dừng mặt đất lại phía trên vạch mốc. Trường hợp những người cản phá bắt được con khi con đã chạm đất rồi nảy lên thì người bắt được sẽ thực hiện một cú nhảy ba bước về phía lò, điểm tiếp đất sẽ tính là điểm con dừng lại trên mặt đất (đương nhiên nếu điểm tiếp đất vượt quá vạch ngang làm mốc thì con cũng coi như chưa qua vạch). 


Cách chơi trò chơi Đánh trỏng 0

 

Cách chơi

- Sau khi tiến hành phân chia lượt chơi, người chơi sẽ lần lượt thực hiện các kỹ thuật cầy, mắm và gà để tích lũy điểm. 
- Khi người chơi tìm cách để có điểm tích lũy thì đối thủ sẽ tìm cách cản phá. Trong trường hợp người cản phá bắt được con trước khi nó chạm đất thì lần đánh đó không được tính điểm và ng chơi tiếp theo sẽ thay thế người chơi trước. 
- Sau khi đã thực hiện xong kỹ thuật có thể ghi điểm, người đánh đặt cái nằm ngang trên lò. Tại điểm con dừng lại trên mặt đất, một trong những người cản phá sẽ dùng con ném về phía cái sao cho làm bật được cái ra khỏi lò hoặc con dừng lại càng gần lò càng tốt. Nếu cái không bị ném bật ra khỏi lò hoặc con dừng lại cách lò một khoảng dài hơn chiều dài của cái thì cú đánh sẽ được tính điểm cho người đánh. Trường hợp một trong những người cản phá bắt được con khi nó chưa chạm đất thì điểm lại được tính cho người bắt được.
 

 

4. Cách tính điểm

Cách tính điểm như sau:
- Ở động tác cầy và mắm: người đánh dùng cái để đo từ lò đến điểm con dừng trên mặt đất, được bao nhiêu lần thì ghi được bấy nhiêu điểm.
- Ở động tác gà: người đánh dùng con để đo từ điểm con dừng lại trên mặt đất về đến lò, được bao nhiêu lần thì ghi được bấy nhiêu điểm.
- Nếu trong bất kỳ lần đánh nào, người thực hiện không ghi được điểm thì phải nhường quyền đánh cho người kế tiếp.
- Có thể chơi theo thể thức từng người thi đấu vòng tròn tính điểm hoặc chia thành hai đội chơi có số lượng bằng nhau và tính điểm đồng đội bằng cách tổng điểm các thành viên.
- Người chơi hoặc đội chơi đánh trước hay sau được xác định bằng số lần khấc thông qua kỹ thuật khấc. Bên nào khấc được nhiều hơn thì được quyền đánh trước. Ngoài ra còn có thể dùng kỹ thuật mắm để xác định quyền đánh. Bên nào đánh được con bay xay hơn thì sẽ giành quyền chơi trước.
 

5. Biến thể của trò chơi

- Khi người đánh thực hiện xong một động tác có thể ghi điểm, thay vì việc đặt con trên lò như trên thì người đánh sẽ cầm cái đứng tại chỗ, sát vạch ngang làm mốc và tìm cách đánh vào con do đối phương ném nhằm đẩy nó ra xa lò để có thể ghi được nhiều điểm. Tuy nhiên thể thức này thường kèm theo điều kiện đối phương có quyền cản phá và nếu họ bắt được con thì điểm khi đó thuộc về đối phương.
- Khi thực hiện kỹ thuật gà, người đánh sau khi đã gõ cho con nảy lên có thể thực hiện động tác khấc không có chuẩn bị rồi mới đánh con bay ra xa. Số điểm (nếu có) sau khi xác định theo cách bình thường sẽ được nhân với số lần khấc để tính cho người đánh hoặc người bắt được con.
 

2021/07/09 - 4k lượt xem
24 lượt thích, 4 lượt không thích
Chia sẻ bài viết
Bài viết liên quan
Viết bình luận
Chưa có bình luận nào