Một số trò chơi chủ đề An toàn giao thông
Việc giáo dục trẻ em về an toàn giao thông là vô cùng quan trọng để con có thể hiểu và thực hiện các biện pháp an toàn khi tham gia giao thông. Thông qua các hoạt động vui chơi dễ hiểu giúp trẻ tăng nhận thức, có khái niệm về hành vi đúng đắn và tôn trọng luật giao thông ngay ở tuổi nhỏ. Hãy cùng Thủ Thuật Chơi khám phá những trò chơi thú vị dưới đây nhé!
Phần
1
Trò chơi phi công giỏi
Trở thành những cô chú phi công có thể điều khiển máy bay, tự do bay lượn trên bầu trời là sở thích của rất nhiều bạn nhỏ. Trò chơi Phi Công Giỏi sẽ giúp con trở thành một cô chú phi công, biết cách phối hợp nhuần nhuyễn giữa tay, mắt và toàn bộ cơ thể để điều khiển máy bay về đích an toàn.
Thầy cô cần chuẩn bị:
+ 2 mũ phi công
+ Một số mô hình đám mây đen to
+ Dây đai an toàn cho mỗi bé
+ Vẽ 2 đường bay
+ Sân chơi đủ rộng
Cách chơi như sau:
+ Chia các con thành 2 đội với số lượng thành viên như nhau (thường mỗi đội nên có 15 người)
+ Chọn 2 đội trưởng của 2 đội đóng vai trò là phi công
+ Các thành viên mỗi đội được phát dây an toàn và đeo chúng.
+ Thầy cô đưa ra hiệu lệnh bay. Khi này, phi công và các hành khách sẽ dang hai tay để làm động tác bay lượn
+ Người phi công cần phải khéo léo dẫn dắt đội của mình tránh các chướng ngại vật là các đám mây đen và bay theo đúng đường bay đã quy định
+ Đội chiến thắng là đội về đích an toàn và nhanh nhất.
Lưu ý nếu trong quá trình bay làm đổ đám mây đen thì đội đó phải quay lại điểm xuất phát. Những hành khách trong đội nào bị tuột dây/bỏ dây an toàn thì đoàn sẽ bị dừng bay.
Phần
2
Trò chơi Cờ quay
Cờ quay là trò chơi giúp trẻ học thêm các nhận biết, nhận thức các nhóm phương tiện giao thông, nơi hoạt động của chúng. Đồng thời, giúp trẻ phát triển kỹ năng quan sát, tập trung.
Thầy cô cần chuẩn bị cho trò chơi này một bàn cờ quay có hình ảnh liên quan đến giao thông như: các phương tiện giao thông, người điều khiển giao thông, đồ dùng cho người điều khiển giao thông…
Cách chơi như sau:
+ Chia thành các nhóm chơi, với mỗi nhóm gồm khoảng 4 trẻ và sắp xếp thứ tự người sẽ quay bàn cờ quay trong mỗi nhóm
+ Lần lượt từng thành viên số 1 ở mỗi nhóm sẽ bắt đầu quay.
+ Lựa chọn chủ đề cho vòng quay, quay đúng chủ đề đó thì người quay trúng sẽ được tiến 1 ô.
Lấy ví dụ: nếu chủ đề quay là phương tiện giao thông thì quay trúng ô đó, phương tiện đó được tiến lên một ô. Đi được 4 loại phương tiện đến hết các ô là người đó chiến thắng. Tương tự với người điều khiển giao thông hoặc đồ dùng cho người điều khiển giao thông.
Trường hợp quay vào ô không có hình, người quay sẽ bị mất lượt. Thành viên khác trong đội sẽ lên thay thế.
Hoặc một cách chơi khác, lựa chọn các hình trên bàn cờ quay là các đường đi của phương tiện giao thông như đường thủy, đường hàng không, đường bộ, đường sắt. Nếu quay đến ô chỉ đường đi nào thì cần phải tìm được phương tiện tương ứng hoặc đồ dùng của người điều khiển phương tiện đó. Người chiến thắng là người tìm được nhiều nhất.
Phần
3
Trò chơi Rung chuông vàng
Rung chuông vàng là trò chơi kiến thức giúp trẻ rèn luyện khả năng tập trung, chú ý, phát huy kiến thức, khả năng gợi nhớ lại từ các bài học đã được giảng dạy tại trường, lớp.
Thầy cô cần chuẩn bị:
+ Bộ câu hỏi và đáp án
+ Sân chơi rộng để con có thể ngồi cách nhau một khoảng vừa đủ
+ Bảng viết, bút viết, giẻ lau cho mỗi trẻ để có thể ghi đáp án
Cách chơi như sau:
+ Giáo viên đóng vai là người dẫn chương trình, sắp xếp chỗ ngồi cho trẻ và phát dụng cụ cho mỗi con
+ Đọc các câu hỏi liên quan đến chủ đề an toàn giao thông và cho trẻ thời gian cố định để suy nghĩ và viết đáp án vào bảng
+ Sau khi viết xong, trẻ úp mặt bảng có ghi đáp án xuống. Khi tín hiệu hết giờ vang lên, trẻ giơ bảng lên đầu
+ Người dẫn chương trình sẽ công bố đáp án và thêm các thông tin liên quan đến đáp án đó để củng cố vốn sống cho các con
+ Học sinh nào có đáp án sai thì tự động rời khỏi chỗ ngồi và trở thành khán giả. Học sinh cuối cùng trả lời được tất cả các câu hỏi là người chiến thắng.
Phần
4
Trò chơi Đèn xanh, đèn đỏ
Trò chơi này là phương pháp hữu hiệu giúp trẻ hiểu và ghi nhớ luật an toàn khi gặp tín hiệu đèn an toàn giao thông.
Giáo viên sẽ yêu cầu trẻ phải mô phỏng theo đúng động tác của các phương tiện tham gia giao thông như chạy và dừng theo đúng tín hiệu quy định. Trẻ thực hiện theo yêu cầu, nếu sai sẽ phải ra ngoài.
Ví dụ,
+ Giáo viên hô: Ô tô xuất phát. Các con phải thực hiện động tác lái oto và kêu bimbim.
+ Giáo viên hô: Đèn đỏ, đèn đỏ. Các con phải dừng lại
+ Giáo viên hô: Đèn xanh, đèn xanh. Xe oto có thể tiếp tục chạy
Thầy cô có thể đa dạng hóa các phương tiện như máy bay cất cánh, thuyền ra khơi… và thay đổi các tín hiệu để các con thực hiện.
Phần
5
Trò chơi chuyền bóng tín hiệu
Chuyền bóng tín hiệu là trò chơi giúp trẻ vừa học được cách nhận biết tín hiệu, vừa tăng kỹ năng thể chất khi biết cách phối hợp chuyền bóng với bạn.
Thầy cô cần chuẩn bị:
+ 12 quả bóng đèn màu xanh, đỏ, vàng
+ 2 cột đèn tín hiệu
+ Sân chơi rộng rãi
+ Nhạc bài hát “Em đi qua ngã tư đường phố”
Cách chơi cụ thể như sau:
+ Chia số lượng người tham gia thành 2 đội hình có số thành viên như nhau, xếp thành 2 hàng dọc
+ Cho trẻ dãn hàng cách một cánh tay, chân đứng rộng bằng vai
+ Chia cho mỗi đội 1 cột đèn tín hiệu
+ Khi có tín hiệu bắt đầu, người đầu hàng sẽ cầm đèn tín hiệu bằng 2 tay đưa qua đầu, người hơi ngả về phía sau và chuyền bóng cho bạn đứng sau. Bạn này đón đèn tín hiệu bằng 2 tay và chuyền tiếp cho người tiếp theo, cứ thế cho đến cuối hàng.
+ Lúc này, bạn ở cuối hàng sẽ cầm đèn tín hiệu và lắp vào đúng vị trí thứ tự đèn: đèn đỏ ở trên cùng, đèn vàng ở giữa và đèn xanh ở cuối cùng
+ Đội nào chuyền nhanh và lắp đúng vị trí đèn tín hiệu, không để bị rơi đèn thì là đội chiến thắng.
Trên đây là một số gợi ý về trò chơi theo chủ đề an toàn giao thông để trẻ có thể củng cố thêm hiểu biết về các phương tiện giao thông và luật an toàn giao thông. Chúc các thầy cô và bé có nhiều thời gian vui chơi bổ ích nhé!
Hãy trở thành người bình luận đầu tiên